Đủ chiêu moi tiền khách hàng

Mới đây, chúng tôi đã nhận nhiều thông tin liên quan phản ánh về hoạt động sai phép của Phòng khám đa khoa Lam Kinh (213 Nguyễn Trãi, P.Tân Sơn, TP.Thanh Hóa). Theo đó, anh Hà Hữu B (Thạch Thành, Thanh Hóa) có biểu hiện bị sưng hậu môn nên đã tham khảo trên mạng xã hội và tìm thấy thông tin quảng cáo của Phòng khám Đa khoa Lam Kinh. Gần đây, anh B tìm đến phòng khám. Sau quá trình thăm khám, bác sĩ tại phòng khám khẳng định anh B mắc trĩ nội, trĩ ngoại và nứt kẽ hậu môn, chỉ định phải phẫu thuật ngay với chi phí 10.800.000 đồng, đảm bảo khỏi bệnh 100% và chỉ mất 30 phút ổn định là có thể đi làm luôn.

Nghe bác sĩ tư vấn, anh B đồng ý và sau khi phẫu thuật, được chỉ định dùng thuốc, tiêm, truyền đến 18h cùng ngày. Tuy nhiên, không đúng như những gì được tư vấn trước đó, bác sĩ phòng khám tiếp tục chỉ định anh B ngày mai đến phòng khám để tiêm, truyền dịch và thu tiền mỗi ngày. Trong quá trình điều trị sau đó, anh B phải chi trả thêm 10.161.000 đồng. Vậy tổng chi phí cho điều trị của anh B là 20.961.000 đồng. Đây là một “chiêu trò” của phòng khám để móc túi người bệnh?

Nhiều người dân vì tin tưởng vào những lời quảng cáo, tư vấn đường mật của phòng khám này rơi vào thảm cảnh “tiền mất tật mang”.

Trong vòng hai tháng tiếp theo, anh B tiếp tục kiểm tra, thăm khám tại đây và được bác sĩ trả lời miệng là “bình thường”. Tuy nhiên, anh B càng ngày càng cảm thấy đau hậu môn, sức khỏe giảm sút chứ không đúng như những gì bác sĩ của phòng khám khẳng định. Đặc biệt, trong suốt quá trình khám và điều trị, anh B chỉ nhận được phiếu thu chứ không nhận được bất cứ hồ sơ bệnh án nào.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, mặc dù đã tiêu tốn hơn 20 triệu đồng cho việc điều trị trĩ tại Phòng khám đa khoa Lam Kinh mà không thuyên giảm. Sau khi đi khám và điều trị lại tại một bệnh viện uy tín khác, anh B được biết, phòng khám đa khoa Lam Kinh đã không cắt trĩ cho mình mà chỉ cắt phần da thừa hậu môn…

Sau khi nhận được đơn thư, chúng tôi đã trực tiếp đến nhà anh B để tìm hiểu thông tin chi tiết. Tại đây, anh B vừa kể lại vừa rơm rớm nước mắt với chúng tôi. Anh nói: “Tôi chỉ là một người dân bình thường mang tiền dành dụm để chữa bệnh, mong cải thiện sức khỏe. Tôi không ngờ phòng khám lại vẽ ra đủ thứ để thu tiền của bệnh nhân, nhưng bệnh vẫn không khỏi. Phía phòng khám cũng không có động thái thăm hỏi khi bệnh tình của tôi không thuyên giảm. Tôi không còn biết tin tưởng vào ai nữa. Tôi chỉ mong những bệnh nhân nghèo khác đến đúng địa chỉ khám bệnh uy tín, tránh tiền mất tật mang…”

Ngoài trường hợp của anh Hà Hữu B, chúng tôi cũng nhận được phản ánh tương tự của anh Nguyễn Văn L (Hậu Lộc, Thanh Hóa) về phòng khám này. Theo đó, anh L bị bệnh trĩ lâu năm, có đến phòng khám để khám chữa và được phòng khám tư vấn mổ trĩ với số tiền mổ và thăm khám là 10.313.000 đồng. Sau khi mổ, mỗi ngày anh L đều được chỉ định lên phòng khám để truyền dịch và vệ sinh. Trong một tuần sau khi mổ, anh L phải nộp thêm cho phòng khám là 9.000.000 đồng. Mặc dù vậy, bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Thậm chí, anh L phải đến một bệnh viện chuyên điều trị trĩ để điều trị lại và được chẩn đoán viêm loét cơ hậu môn.

Trong đơn thư, anh L cũng nêu rõ những thắc mắc của mình: “Qua quá trình chữa bệnh, tôi xét thấy việc khám chữa bệnh ở đây không minh bạch về mức thu, có dấu hiệu lừa dối, thủ đoạn gây thiệt hại cho mọi người đến chữa bệnh là rất lớn. Những người chữa bệnh cho chúng tôi không thấy bác sĩ đeo tên trên ngực, trực tiếp khám chữa bệnh. Hồ sơ thủ tục ra vào phòng không có, không thấy phòng khám trả cho các giấy tờ xét nghiệm, siêu âm hay nội soi…”

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong giấy phép hoạt động của phòng khám, phòng khám không được phép cắt trĩ, mà chỉ được cắt da thừa hậu môn. Da thừa hậu môn là thịt dư ở hậu môn, nguyên nhân do bẩm sinh hoặc do người bị trĩ ngoại, khối trĩ to lên nhưng không có triệu chứng đi cầu máu hay đau rát. Sau một thời gian, khối trĩ ngoại này nhỏ lại và biến mất nhưng khối da bị nhô ra không thể teo lại được, tạo thành mảnh da thừa. Về cơ bản, da thừa hậu môn không cần điều trị nhưng nó gây mất thẩm mỹ. Trong khi đó, bệnh trĩ là bệnh lý hậu môn, trực tràng phổ biến do sự căng giãn quá mức của các tĩnh mạch ở hậu môn, tạo thành các búi trĩ. Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ là đi cầu ra máu, đau rát hậu môn, ngứa hậu môn, xuất hiện khối thịt thừa.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết y khoa của bệnh nhân, phòng khám đa khoa Lam Kinh đã “lập lờ” trong tư vấn, chỉ định điều trị trĩ cho bệnh nhân để trục lợi, không cung cấp được hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân và không đảm bảo quy trình khám chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, tình trạng các phòng khám đa khoa tư nhân tự ý ‘vẽ bệnh’ cho bệnh nhân, trục lợi bệnh nhân nghèo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, người dân cũng mất niềm tin vào nền y tế nước nhà. Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương cũng đã vào cuộc, kiểm tra và xử lý các trường hợp phòng khám vi phạm. Mặc dù vậy, không hiểu lý do gì, phòng khám đa khoa Lam Kinh vẫn tiếp tục có dấu hiệu thực hiện chiêu trò, lừa dối và trục lợi bệnh nhân. Như vậy có thể thấy, hai chữ y đức dường như không được một số y bác sĩ của phòng khám này đề cao trong quá trình khám chữa bệnh.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Văn Thuỷ, Trưởng Phòng quản lý y dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hoá cho biết Phòng khám Lam Kinh chỉ được thăm khám mà không được phẫu thuật cắt búi trĩ. Ông Thuỷ đề nghị phóng viên làm việc trực tiếp với phòng khám này để năm rõ hơn thông tin về hoạt động khám chữa bệnh tại đây.

Chiêu “ve sầu thoát xác”

Sau khi nhận được phản ánh của bệnh nhân L.V.Q về những dấu hiệu bất thường trong quá trình khám chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Lam Kinh, ngày 13-1-2021, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Phòng khám Đa khoa Lam Kinh có địa chỉ tại 213 đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp bệnh nhân L.V.Q tại phòng khám.

Theo đó Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã tiến hành các bước: kiểm tra hồ sơ khám bệnh, kiểm tra quá trình khám bệnh của phòng khám cho bệnh nhân L.V.Q, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên y tế và nhân viên làm việc, kiểm tra phạm vi hoạt động chuyên môn và kiểm tra giá dịch vụ kỹ thuật đã thu của bệnh nhân L.V.Q.

Theo biên bản kiểm tra, Phòng khám Đa khoa Lam Kinh có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định; điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo thực hiện phạm vi chuyên môn đã được phê duyệt. Tuy nhiên qua kiểm tra, xác minh còn tồn tại sau: Việc thực hiện khám bệnh cho bệnh nhân L.V.Q, nhân viên của phòng khám là bà H.T.H đã không đeo biển tên, đã hỏi bệnh, đưa ra chuẩn đoán và tư vấn các gói dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân, bà H.T.H chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; như vậy, bà H.T.H đã thực hiện hành vi khám bệnh là không đúng theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Bà H.T.H chỉ được phòng khám phân công công việc đưa đón bệnh nhân đi làm các dịch vụ kỹ thuật, hướng dẫn và tư vấn cho bệnh nhân về giá dịch vụ tại phòng khám.

Ngày 18-01-2021, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa ra Quyết định số 03/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân bà H.T.H vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không đeo biển tên, khám bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Cảnh cáo với hành vi không đeo biển tên; phạt tiền với hành vi khám bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với mức phạt là 35 triệu đồng.

Về sự việc này, đại diện Phòng khám Đa khoa Lam Kinh cho biết thêm “Phòng khám không phân công công việc chuyên môn cho bà H.T.H. Sau sự việc nêu trên, phòng khám đã họp, xác định bà H.T.H vi phạm quy chế hoạt động của phòng khám và đã kỷ luật bà H.T.H bằng hình thức buộc thôi việc kể từ ngày 31-12-2020”.

Trên mạng xã hội, rất nhiều Nhóm tẩy chay, tố cáo phòng khám này được lập ra với hàng vạn thành viên. Rất nhiều người vì “tiền mất tật mạng đã lên tiếng tố cáo phòng khám này. Vì thế, sau khi bị Sở Y tế Thanh Hóa xử phạt, phòng khám này đã bất ngờ đổi tên thành Phòng khám Miền Tây. Đối với những người hành nghề y, y đức luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhưng hiện nay, chạy theo lợi nhuận để trục lợi bệnh nhân nghèo, bất chấp vi phạm pháp luật. Tại Thanh Hóa, đang có phòng khám bỏ mặc hai chữ y đức để làm tiền bệnh nhân nghèo. Tên mới, nhưng cách làm của phòng khám này vẫn không có chuyển biến.

Thiết nghĩ, Sở Y tế Thanh Hóa, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ những sai phạm mang tính hệ thống xảy ra suốt một thời gian dài tại phòng khám này. Đối với những người hành nghề y, y đức luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhưng hiện nay, chạy theo lợi nhuận để trục lợi bệnh nhân nghèo, bất chấp vi phạm pháp luật. Tại Thanh Hóa, đang có phòng khám bỏ mặc hai chữ y đức để làm tiền bệnh nhân nghèo. Vì thế, để một cơ sở khám chữa bệnh liên tục bị tố cáo lừa dối bệnh nhân, “vẽ bệnh”, “móc túi” bệnh nhân nghèo trên địa bàn sẽ ảnh hưởng đến những người hành nghề y chân chính.

Author

Ngo@pressvn.com